Tết Nguyên Đán luôn là một trong những dịp lễ Tết trọng đại nhất và được mong chờ nhất của người dân Việt Nam. Không chỉ mang ý nghĩa về thời gian là thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, Tết còn là dịp đoàn viên, sum vầy của mọi gia đình.
Trong những ngày đầu năm, ai cũng muốn khoác lên mình những bộ quần áo mới để mang lại may mắn và áo dài ngày Tết là trang phục được rất nhiều người lựa chọn.
Áo dài ngày Tết có thể được coi như một nét đặc trưng không thể thiếu của Tết cổ truyền bên cạnh bánh chưng, bánh tét, hoa đào hoa mai. Mặc dù ngày nay áo dài đã được cải biến nhiều để phù hợp với thời đại và thuận tiện trong sinh hoạt nhưng áo dài Tết vẫn giúp lưu giữ những truyền thống văn hóa lâu đời. Hãy cùng chúng tôi đi tìm hương sắc Tết Việt qua những tà áo dài Tết từ xưa đến nay.
Áo dài ngày Tết cổ truyền trong Tết xưa
Áo dài là trang phục của người Việt đã xuất hiện từ rất lâu, cách nay cả hàng ngàn năm. Tương truyền rằng khi cưỡi voi xông trận giết giặc, Hai Bà Trưng đã mặc áo dài hai tà. Do tôn kính hai Bà, phụ nữ Việt xưa tránh mặc áo dài hai tà, thay vào đó là áo tứ thân.
Áo tứ thân là trang phục thường nhật của phụ nữ Việt xưa với thân áo được may từ bốn mảnh gọi là tứ thân. Hai thân trước may rời có thể buộc vào nhau để tiện trong lao động sản xuất, hai thân sau được may liền lại với nhau. Áo tứ thân đã gắn bó với người Việt hàng trăm năm cho tới thế kỉ 17, khi nó được cải biến thành áo ngũ thân để thêm phần sang trọng hơn và khẳng định địa vị của người phụ nữ.
Áo ngũ thân được may năm thân hay năm tà. Mỗi thân áo trước và sau đều có hai tà đươc may dọc theo sống áo, ở thân trước có thêm một tà như một lớp lót kín đáo. Áo có phom rộng, có cổ và rất thịnh hành từ thế kỉ 17 đến thế kỉ 20, được hầu hết phụ nữ thành thị ưa chuộng.
Phần nhiều áo dài xưa đều được may kép, nghĩa là may có lớp lót. Lớp áo trong cùng được may bằng màu trắng để không bị thôi màu khi thấm mồ hôi và dễ giặt. Một áo kép mặc kèm với một áo lót bên trong tạo thành một bộ “mớ ba”. Bộ mớ ba mặc cùng với quần được may rộng vừa phải, đũng thấp và thường là quần đen.
Như vậy, trong nhiều thập kỉ trước, không chỉ riêng dịp Tết mà cả trong đời sống thường nhật, áo dài cổ truyền vẫn là trang phục truyền thống gần gũi và gắn bó với người dân Việt. Có chăng trong những ngày Tết, người ta sắm thêm cho mình một bộ áo dài mới cho Tết thêm sung túc và may mắn.
Áo dài ngày Tết từ giữa thế kỉ 20 đến nay
Cùng với những biến động của lịch sử, áo dài cũng chịu những ảnh hưởng của thời đại và dần có những cải biến. Người tiên phong trong việc cải biến áo dài cổ truyền là họa sĩ Cát Tường vào năm 1939. Thiết kế của bà đã góp phần định hình cho áo dài truyền thống sau này.
Chiếc áo dài do bà sáng tạo ra chỉ có 2 tà trước và sau với tà trước dài chấm đất, được đặt tên là áo dài Le Mur. Áo được may ôm sát cơ thể, tay thẳng và có viền nhỏ. Đây là một thiết kế táo bạo thời đó và bị chỉ trích là “lai căng”. Cho đến năm 1943 thì áo dài Le Mur dẫn bị lãng quên.
Tiếp nối những cải biến của họa sĩ Cát Tường là thiết kế áo dài của họa sĩ Lê Phổ. Áo dài Lê Phổ được xem là nguyên gốc của áo dài truyền thống Việt Nam hiện nay. Áo có vạt dài, cổ kín, nút bên phải áo và được may sát cơ thể. Kiểu áo dài xưa này thường được mặc với quần ống loe màu trắng và được phụ nữ Việt ưa thích suốt một thời gian dài.
Bên cạnh hai thiết kế của họa sĩ Cát Tường và họa sĩ Lê Phổ còn có áo dài thắt eo, áo dài bà Nhu cũng khá phổ biến thời bấy giờ. Dù không tồn tại lâu nhưng tất cả những kiểu áo dài đó đều góp phần không nhỏ vào dòng chảy của lịch sử tà áo dài Việt Nam và góp phần định hình nên chiếc áo dài hiện đại ngày nay.
Những năm giữa thế kỉ 20, Việt Nam du nhập nhiều văn hóa phương Tây khiến gu thời trang cũng có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, mặc áo dài chơi Tết vẫn là một truyền thống được người Việt gìn giữ.
Trong bối cảnh đất nước đang có những xung đột về chính trị và vũ trang thời bấy giờ, hình ảnh những tà áo dài ngày Tết rộn ràng trên phố như một nét màu tươi sáng, khiến người ta tạm quên đi những đau thương và hòa mình vào không khí vui vẻ đầm ấm của Tết dân tộc.
Xu hướng áo dài ngày Tết hiện nay
Trong vài năm trở lại đây, áo dài đón Tết đã được hồi sinh mạnh mẽ với nhiều kiểu dáng, mẫu mã bắt mắt. Không chỉ còn là áo dài truyền thống, ngày nay áo dài đã được cách tân rất nhiều để vừa gần gũi với đời sống hiện đại, vừa giữ lại bản sắc của một trang phục dân tộc.
Được nhen nhóm từ năm 2014 nhưng đến năm 2015 kiểu áo dài cách tân mặc với quần ôm mới thực sự bùng nổ. Được thiết kế với hai tà ngắn đến đầu gối và những cách điệu ở phần tay, cổ, áo dài cách tân vừa năng động, vừa vẫn giữ được vẻ thướt tha. Những chiếc quần ống rộng được thay thế bằng quần ôm sát cơ thể để tôn lên tối đa những đường cong quyến rũ của phụ nữ. Áo dài cách tân vừa ra đời đã được đón nhận nồng nhiệt và trở thành một trang phục hot của mùa Tết.
Tết Ất Mùi 2015, ở bất cứ con phố nào người ta cũng dễ dàng bắt gặp những cô gái mặc áo dài du xuân đầy sức sống và màu sắc.
Sau 5 năm kể từ khi ra đời, từ chiếc áo dài cách tân đầu tiên người ta đã sáng tạo ra rất nhiều mẫu áo dài cách tân mới để phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Những thiết kế áo dài cách tân mặc với chân váy, áo dài cô Ba…lần lượt ra đời với đủ các loại chất liệu và họa tiết.
Dù có người khen, người chê nhưng không thể phủ nhận những ý nghĩa tích cực mà áo dài cách tân mang lại. Đó là sự giao thoa giữa hiện đại và cổ truyền, giữa thời thượng và mộc mạc. Giữa những ngày đầu năm mới an lành, những tà áo dài cách tân đầy màu sắc khiến ngày xuân thêm rạng rỡ và may mắn.
Trên đây chúng tôi vừa cùng bạn tìm hiểu sự thay đổi của xu hướng áo dài ngày Tết qua thời gian. Dù trong thời nào, hoàn cảnh nào và được cải biến thế nào, áo dài ngày Tết vẫn là một nét đặc trưng của Tết cổ truyền dân tộc. Hi vọng trong một tương lai không xa, người ta sẽ được chứng kiến một cái Tết trọn vẹn với những tà áo dài đích thực rộn ràng khắp làng quê, thành thị Việt Nam.
Discussion about this post