“ Gọi nắng!
Trên vai em gầy
Đường xa áo bay
Nắng qua mắt buồn
Lòng hoa bướm say
Lối em đi về
Trời không có mây
Đường đi suốt mùa
Nắng lên thắp đầy”
( Hạ Trắng – Trịnh Công Sơn)
Luôn có một mảnh tình với bóng dáng áo tím dài thấp thoáng trong những giai điệu, lời ca của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Chẳng phải ngẫu nhiên mà người ấy lại dành nhiều tình cảm như thế cho chiếc áo dài, chẳng phải tự nhiên mà cố nhạc sĩ ấy lại viết ra những bản tình ca sâu sắc trầm buồn đến vậy. Là bởi Trịnh Công Sơn đã có nhiều năm tháng sống trong căn gác nhỏ trên đường Nguyễn Trường Tộ, cố đô Huế.
Thuở ban đầu ấy, người nghệ sĩ đem lòng yêu mến một nữ sinh vẫn hằng ngày đi về qua căn gác của ông. Vì vậy hình ảnh tà áo dài Huế cứ trở đi trở lại trong những ca khúc của nhạc Trịnh như một niềm tương tư da diết; cũng bởi lẽ đó mà những người yêu Huế, đến với Huế sau này thường hay thả bộ trên đường cố đô để “phiêu” trong nhạc Trịnh và dõi mắt tìm những tà áo dài thướt tha dưới đường phượng rợp bướm hoa, tít mù không lối vào…
Tím Huế – Tím mộng mơ
Tôi dám khẳng định tím không phải là mầu riêng của Huế, nhưng thật lạ là sao cứ phải đến Huế mới thấy mầu tím đúng nhất là màu tím áo dài. Kinh thành Huế “ lầu son gác tía “ uy nghiêm, và có lẽ điều này ảnh hưởng đến tính cách cũng như trang phục của cư dân nơi đây. Tía là mầu tím. Mầu của bậc vương giả tôn quý. Tím trong áo dài Huế khiến người ta phải ngân ngơ ngắm nhìn, ngẩn ngơ làm thơ nhạc vì chứa đựng niềm sâu kín.
“ Tim tím rừng chiều, tim tím núi
Tim tím chiều hôm, tim tím mai
Ban chiều tim tím nhớ mong nhau
Đêm tối kìa em tím rất nhiều
Anh cúi xuống hôn màu tím giấy
Thư về em, tím nét thương đau”
( Nguyễn Bính )
Có một thời áo tím của những cô gái Đồng Khánh trở thành hình tượng để đi vào thơ ca, nhạc họa của các thế hệ nghệ sĩ xưa. Huế mộng mơ cùng phấn nụ, áo dài tím, cùng nón bài thơ, cùng với đền đài, lăng tẩm đã thành một nét văn hóa quý giá của dân tộc.
Áo dài Huế trong tình khúc Trịnh Công Sơn
Trịnh Công Sơn nói: “ Tôi không thấy có ranh giới nào giữa thế giới âm thanh và thế giới im lặng cả. Những gì không nói được bằng ngôn ngữ âm nhạc thì tôi nhờ đến ngôn ngữ màu sắc. Nếu cả hai phương tiện này cũng chưa chuyên chở hết những suy nghĩ của tôi về đời và con người thì tôi lại phải tìm đến với văn chương”.
Cố nhạc sĩ Trịnh đã để lại cho thế hệ sau một gia tài tình ca về áo dài, rất riêng biệt và rất Huế. Mỗi khúc tình ca ấy đều ẩn náu một nỗi buồn réo rắt của Huế. Huế trong sự réo rắt.
Một áo dài tím Huế huyền ảo về đêm. Một áo dài Huế trong những buổi sớm mai yên lặng. Một áo dài Huế trong sự thánh thót diệu kỳ mùa xuân; nỗi buồn ngay trong nắng cháy mùa hè bỗng cơn giông ập đến. Áo dài Huế ảm đạm những đám mây chiều đông.
Cố họa sĩ Phạm Đăng Trí tâm sự rằng : “Đối với màu tím, phụ nữ Huế quan niệm đó là một sắc trang nhã. Trông không buồn mà chỉ như mỉm cười. Không quá nồng nàn như bông lài mà thoang thoảng như hương lan thanh đạm và tế nhị. Vì vậy, đàn bà con gái thường mặc màu tím… Và nữ sinh thường chọn màu này để làm đồng phục… Tím là sắc lạnh, là sắc thuộc âm, nằm dưới cùng trong quang phổ, phát ra bước sóng ngắn và sức sáng nhẹ nhàng… Điều vừa trình bày, chứng tỏ ý thức thẩm mỹ của chị em phụ nữ xứ này qua việc chọn màu tím để ví với đức tính của mình thì thật là tinh tế. Do đó, đã sinh ra từ ngữ “màu tím Huế”…
Chẳng hiểu sao người ta lại gọi là “chiều tím” ? Tím do trời đất hay do áo dài tóc thề của nữ sinh Huế khiến tà áo tím loang loáng trên vỉa hè!
Sống trong đất cố đô toàn hoa cỏ, toàn lãng mạn và toàn là những căn nhà nhỏ nhỏ xinh xinh, người Huế mang trong mình chút gì đó thơ mộng không tưởng.
Áo dài và nữ sinh Huế
Tôi có đọc được ở một tạp san Trà Sữa Tâm Hồn về câu chuyện các cô gái Huế chạy mưa. Khi cơn mưa đang ôm lấy một khoảng tối sau lưng, như lẽ thường thì các các nữ sinh sẽ chạy thật nhanh, hay chí ít cũng rảo chân để tránh, nhưng các cô học trò Quốc học thì khác. Trước ngực vẫn ôm cặp sách, vẫn mặc áo dài trắng đang cuộn tơi bời trong gió và tiếng bước chân vẫn chậm rãi khoan thai thế, như chẳng hề có cơn mưa nào đang đuổi sau lưng, như chẳng hề có vần vũ gió và mây đen, như không hề có một tiếng than nào, chỉ có duy nhất những bước chân dịu dàng, thanh thản, tự tại.
Tôi nhớ một anh bạn Huế kể lại : Vào một ngày mưa, có một giáo sư văn học nổi tiếng từ Hà Nội vào thỉnh giảng, khi đứng ở gần cửa sổ nhìn thấy cảnh này đã phải thốt lên: Đây chính là đặc sản Huế. Qúa trữ tình và thơ mộng. Ông xuýt xoa mãi: Sao mà cái dáng vẻ các nữ sinh Huế thả lơi mình dưới mưa lại đẹp tới vây? Nó bộc lộ thái độ sống hòa hợp của người Huế trước thiên nhiên, nó chính là sự sâu sa trong cái đẹp Huế.
Bây giờ đã hiện đại quá rồi, chắc tôi chả còn bao giờ nhìn thấy cảnh nữ sinh Huế áo dài, tóc bay hờ hững, đi bộ an nhiên ôm cặp sách lững thững men theo hàng long não run rẩy trong mưa ngày nào xa xăm nữa?
Cũng có nghe nhà nước đang đề xuất tận dụng mưa Huế để tổ chức các tour du lịch mưa. Để biến thứ mưa não nề ở Huế thành đặc sản. Để biến cái tâm thế sống chung với mưa thành một lẽ tự nhiên hòa hợp. Bởi, càng đối phó thì càng… thua, bởi nắng mưa là việc của giời, tương tư là bệnh của con người, còn việc sống chung và lãng mạn hóa nó là việc của người Huế.
Huế chưa kịp làm thì Đà Lạt đã làm, mưa thì thiết nghĩa ở đâu hạt cũng to nhỏ, rí rách như nhau, nhưng hàng long não ánh lên tim tím trong mưa, những tà áo dài lững thững, quấn quýt dưới mưa, những bước chân nhẹ bẫng tưởng như vô định dưới mưa, mái tóc thề đen nhánh nghiêng nghiêng trên vai trong rối bời thì hình như chỉ Huế mới có.
Âý vậy mà về Huế không mưa thì còn tai hại hơn là mưa dầm dề. Rồi lại sẽ nháo nhào lên cho mà xem. Như người Hà Nội thấy buồn nếu ngày nào đi không tắc đường ấy! Lúc ấy thì người ta có mà lại trần trùng trục ra mà nhớ mưa, nhớ mưa đến tuyệt vọng như tôi đã từng tuyệt vọng hồi còn học cấp 3: Chẳng bao giờ thì được thưởng thức mưa Huế và may thay, nỗi nhớ ấy của tôi tưởng như sắp tuyệt vọng tới vực thẳm nhưng rồi đã ánh lên hy vọng vì sau năm sáu năm tôi đã được về Huế.
Nhưng bây giờ, ngồi trong một quán cà phê ở Hà Nội, tôi lại nhớ mưa Huế da diết. Ngồi trong mưa nhớ mưa, nỗi nhớ ấy vừa buồn thăm thẳm vừa duốm màu cổ tích…
Written by Sago
Discussion about this post