Mỹ Linh đang là sinh viên năm 2 ngành Truyền thông, trường Đại học Văn Hóa Tp.HCM. Cô hiện làm người mẫu tự do và đam mê khám phá các trang phục truyền thống của người Việt. Kính mời độc giả cùng chiêm ngưỡng bộ ảnh thần thái của Mỹ Linh.
Tìm hiểu về áo Giao Lĩnh
Áo Giao Lĩnh, Tràng Vạt, tràng xiên, còn được gọi tắt là áo tràng. Đây là cách gọi một trong số các loại y phục lâu đời trong tập quán của người Việt Nam. Sở dĩ áo Giao Lĩnh có tên Tràng Vạt là xuất phát từ việc, tràng áo xiên (cổ áo) được tạo thành bằng cách ghép thêm vạt cả. Tràng Vạt thường được dùng như một loại lễ phục, hoặc tế phục và được mặc phủ ra ngoài.
Áo Giao Lĩnh là một dạng của áo Trực Lĩnh
Đây là một kiểu áo phổ biến trong các triều đại phong kiến ở Việt Nam. Trong cuốn Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn có ghi chép về áo Trực Lĩnh thông qua sự kiện triều đình Chúa Trịnh quy định y phục cho vùng Thuận Hóa. Đây là vùng Chúa Trịnh mới chiếm được của chúa Nguyễn từ năm 1774.
Theo đó, Phủ biên tạp lục có ghi lại như sau: “Mùa xuân năm Bính Dần, đặt trấn phủ Nha môn ở Thuận Hóa. Bắt đầu từ tháng bảy, tuyên dụ rõ rằng: Y phục bản quốc (Y phục triều Lê – Trịnh) có chế độ riêng, địa phương này trước đây cũng tuân theo quốc tục. Nay cung vâng Thượng đức, dẹp yên biên phương, trong ngoài thống nhất, chính trị và phong tục cũng nên như một. Các loại quần áo kiểu Trung Quốc vẫn còn thấy, nay phải đổi theo quy chế quốc tục.
Nam, nữ phải mặc áo Trực Lĩnh ngắn tay, với kiểu dáng ống tay áo rộng hẹp cho được thoải mái. Áo của nữ từ hai bên nách trở xuống phải được may khép lại, không được xẻ tà, không được để mở, không được chiết eo. Riêng đàn ông sẽ được phép mặc áo cổ tròn, tay hẹp để tiện làm việc, nếu muốn. Đối với lễ phục, phải dùng bằng áo Trực Lĩnh, có ống tay dài, được may bằng vải Thanh Cát, hoặc vải thâm, hoặc vải trắng tùy nghi”.
Trong Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức cho biết, trước năm 1744 khi Chúa Nguyễn Phúc Khoát ra lệnh cải cách y phục thì người Việt tại Gia Định: ” Vẫn tuân theo tập tục cũ của người Giao Chỉ là người dân xõa tóc đi chân đất, nam nữ đều dùng áo Trực Lĩnh ngắn tay, áo may khép lại hai bên nách, không có quần. Đàn ông đóng khố bằng cách dùng một khổ vải quấn quanh eo đến dưới mông thì bó lại, thắt vào vùng rốn. Đàn bà thì mặc loại váy quây, không gấp nếp và đội nón lớn, gọi là nón quai thao”.
Sang đến thời chúa Nguyễn Phúc Khoát năm 1744, lệnh được sửa đổi về cách ăn mặc cho người Đàng Trong. Mọi người phải mặc áo năm thân, cài khuy lập lĩnh (cổ đứng), bỏ váy mặc quần. Giới quý tộc thì mặc thêm xiêm, thường được phủ ngoài quần. Ở Đàng Ngoài, áo Trực Lĩnh tiếp tục có mặt cho đến khi nhà Nguyễn dẹp nhà Tây Sơn, thống nhất đất nước.
Sách Minh Mạng chính yếu cho biết, năm 1827 – Đinh Hợi, vua Minh Mệnh đã lệnh bắt phụ nữ từ sông Gianh trở ra miền Bắc phải mặc trang phục giống người miền trong. Tuy nhiên, mệnh lệnh đó đã không được thi hành. Đến năm 1837 – Đinh Dậu, vua lại ban dụ rằng: “Ngày trước, từ Linh Giang – sông Gianh trở ra Bắc, dân vẫn mặc y phục như tục cũ. Đã ban dụ truyền lệnh sửa đổi theo y phục từ tỉnh Quảng Bình trở vào miền trong để phong tục đồng nhất. Lại cho thời hạn rộng rãi để dân được thong thả may sắm quần áo.
Từ năm Minh Mệnh thứ 8 đến nay, đã mười năm rồi, vẫn nghe nói dân chưa sửa đổi. Vả lại, từ tỉnh Quảng Bình trở vào Nam, mũ khăn, quần áo đều theo cách của nhà Hán, nhà Minh, xem khá tề chỉnh. Theo phong tục cũ của người miền Bắc, con trai đóng khố, con gái mặc áo thắt vạt, dưới mặc váy. Đẹp xấu đã thấy rõ rệt. Có kẻ đã theo tục tốt, cũng có kẻ vẫn giữ nguyên thói cũ, phải chăng cố ý làm trái mệnh trên? Các tỉnh thần nên đem ý ấy mà chỉ bảo, khuyên dụ nhân dân. Hạn trong năm nay, phải nhất tề thay đổi. Nếu đầu năm sau người nào nếu còn giữ theo y phục cũ, sẽ bị trị tội”.
Dưới thời nhà Nguyễn, lối y phục tiền triều bị cấm. Do đó, trang phục Bù Long và áo cổ thìa biến mất. Áo Tràng Vạt chỉ còn được dùng như loại áo thụng mặc cùng phong cân trong lúc tế lễ. Mặc dù đàn ông bắt đầu mặc áo Lập Lĩnh song nữ giới phía Bắc sông Gianh thì vẫn theo cách ăn mặc cũ. Áo tứ thân được xem là cách tân của áo Bù Long, tiếp tục tồn tại đến đầu thế kỷ thứ 20. Tuy nhiên, yếm trong chỉ còn sắc trắng, không được thêu hoa văn và được mặc cùng với váy đen. Váy đen còn được gọi là quần không đáy hoặc xống theo cách gọi của thời Lê).
Áo tứ thân có 2 cách mặc, cách thứ nhất là buông và cách thứ hai là buộc chéo vạt che nương. Phong tục ăn mặc thời nhà Lê là mặc áo Trực Lĩnh kết hợp đinh tự cân, chu lạp đính mao, bức cân đều bị giản lược các chi tiết trên mũ theo cổ lệ để kết hợp với áo lập lĩnh. Mục đích của cách ăn mặc này là để ngầm chống đối luật lệ của triều Nguyễn. Những loại áo mũ thời nhà Lê chỉ còn xuất hiện trong các lễ hội của miền Bắc Bộ nhằm tưởng nhớ tiền triều.
Mô tả về áo Giao Lĩnh
Đây là một loại áo có thiết kế rộng. Thời Lê, loại áo này có vạt cả thường nhỏ hơn thân, ít khi xẻ tà hai bên hông. Đến thời nhà Nguyễn, áo Giao Lĩnh luôn xẻ tà, vạt cả rộng bằng thân. Áo Giao Lĩnh được may dài tay và tay rộng khoảng 32–36cm. Thân áo dài từ ngang xương ống đồng đến chấm gót chân và may bằng 5-6 tấm vải, giới nam hay nữ đều có thể mặc được.
Theo thư tịch cũ minh họa, nữ giới mặc áo yếm che ngực bên trong còn bên ngoài phủ áo Giao Lĩnh, phía dưới bụng quấn váy, buộc bằng thắt lưng vải màu, hai đầu buông thả. Nếu người mặc có thân phận là hoa nương hoặc quý tộc, bên ngoài áo Giao Lĩnh còn có 1 lớp xiêm thường thêu hoa văn.
Nam giới cũng mặc áo Giao Lĩnh ra bên ngoài quần hoặc khố. Cách mặc là vạt bên trái được kéo chéo qua ngực và bụng rồi buộc vào dưới nách áo bên phải. Điều này nhằm phân biệt với áo cổ thìa có gút buộc nằm ngang xương mỏ ác.
Một số công trình khảo cổ đã tìm thấy hiện vật trong một số mộ cổ như ở Nhật Tân, Tây Hồ – Hà Nội hoặc ở mộ Đại tư đồ Nguyễn Bá Khanh – Hưng Yên một lượng áo Tràng Vạt.
Bước sang thế kỷ 19, áo Giao Lĩnh không còn được dùng như thường phục nữa mà chỉ sử dụng làm quan phục, tế phục. Dân gian gọi áo Giao Lĩnh là áo thụng, trong triều đình thì gọi là “phổ phục” hay “bổ phục”. Các quan chỉ mặc loại áo này ra bên ngoài khi có đại tế hay vào chầu vua.
Khi mặc áo Giao Lĩnh trong triều đình, người mặc phải đính thêm bố tử ở ngực và lưng nhằm làm rõ phẩm ngạch. Thời Nguyễn, áo Trực Lĩnh biến mất hẳn, bởi vì xã hội chỉ còn dùng loại áo Trực Lĩnh buộc vạt sang phía nách, gọi là Giao Lĩnh.
Áo Giao Lĩnh thời xưa chủ yếu được may từ vải tơ tằm: gấm, đoạn, sa. Áo Giao Lĩnh mùa hè được dùng bằng vải sa/the, vải thanh cát. Vải thanh cát là loại tơ từ thân cây chuối dùng để dệt như cách sản xuất tại Philippin và tỉnh Okinawa-Nhật Bản. Áo Giao Lĩnh mùa đông thì dùng vải gấm, đoạn.
Theo Wikipedia
- Model: Mỹ Linh
- Photography: Linh Trọng
- IKIGAI Production: Minh Lê, Lâm Lê, Lê Hồng Hải, Thiên Tú
- Wirter: Hanako
Discussion about this post