Hoa gạo tháng 3 thân thương, mộc mạc, làng quê Bắc bộ nào mà chẳng có. Cái màu đỏ rực rỡ ấy như thắp lên cả niềm mong ước về một mùa màng bội thu và cái đói không đến làm phiền.
Chẳng ai trưng hoa gạo ở trong nhà, người ta chỉ trưng loài hoa ấy trong sâu thẳm tâm hồn với những hoài niệm thiêng liêng và thân thương nhất về thời thơ ấu bên gia đình, làng mạc. Hoa gạo vì vậy, dẫu không xuất hiện trong tiệm hoa, phố chợ, trong khách sạn, hội nghị xa hoa thì vẫn luôn hiện hữu và bất tử trong lòng người xa quê theo thời gian.
Chẳng riêng gì lòng người xa quê, mà ngay cả người thành thị cũng vậy. Dẫu chưa từng được chân lấm tay bùn, lội ngược lúa mùa nhặt bông gạo đỏ nhưng chỉ nghe mùa gạo nở, ai nấy đã xốn sang, nô nức kiếm tìm nơi có cây gạo bung mình để mong chụp được một tấm hình áo dài bên loài hoa rực rỡ.
Ý nghĩa của hoa gạo tháng 3
Hoa gạo tháng 3, đỏ một góc trời như chiếc giá nến khổng lồ cõng trên mình muôn vàn ánh lửa nhỏ. Có truyền thuyết kể lại rằng, năm nọ trời không cho mưa làm hạn hán, cây cối, lúa khoai đều chết cả.
Tháng 3 – vụ mùa, theo lẽ thông thường người dân sẽ được thu hoạch lúa thóc. Là thời gian trẻ nhỏ, người già, trai gái trong làng được sum vầy ăn những bữa cơm no bụng, vui vẻ. Thế nhưng ngược lại, hạn hán đã khiến dân làng lâm vào cảnh khốn cùng, người già trẻ nhỏ chết đói la liệt. Thanh niên, nam nữ khỏe mạnh ngày nào giờ thân xác hao mòn, tiều tuỵ.
Trước cảnh diệt vong ấy, người trai trẻ nọ không thể can tâm đứng nhìn. Chàng quyết tâm bắc thang lên hỏi ông trời, vì sao lại không cho mưa, làm mất mùa đói kém. Trước khi từ biệt, chàng trai không quên buộc vào cổ tay người con gái mình thương một dải lụa đỏ như để làm tin.
Sau khi lên đến cõi tiên và kể lại sự tình, Ngọc Hoàng bèn giữ chàng lại để phụ việc giúp Thiên Lôi, chuyên trách việc làm mưa cho trần gian. Chàng đã không thể trở về làng nữa, nhưng nỗi nhớ người con gái mình thương thì không thể nào nguôi. Một hôm nọ, Ngọc Hoàng biết sự tình liền xuống trần ban cho người con gái của chàng một điều ước. Nàng đã ước trở thành một loài cây có thể vươn cao giữa trời và nở những bông hoa đỏ rực như lửa để hàng ngày người đàn ông của nàng có thể nhìn xuống hạ giới mà vui cười.
Từ đó, ở mỗi làng quê thường xuất hiện những cây gạo đỏ cổ thụ, vươn chót vót giữa trời xanh biêng biếc. Hoa chỉ nở và tháng 3 Âm Lịch, là lúc lúa đương trĩu bông, chuẩn bị thu hái. Và vì vậy, hoa gạo còn tượng trưng cho điềm lành, báo hiệu mùa màng bội thu, mang đến sự ấm no cho người làm nông.
Ngày nay, những cánh đông quê ngày càng hẹp dần, phố thị mở mang sầm uất. Song những cây gạo trăm năm vẫn kiêu hãnh đứng sừng sững giữa trời với biểu tượng của mùa màng, của làng quê yên ả.
Chẳng biết do hoa gạo đẹp hay người phố thị hiếu kỳ mà hoa gạo bỗng trở thành trend để chụp hình sống ảo của biết bao thiếu nữ chưa một lần biết tới cảnh chân lấm tay bùn. Cũng chẳng biết hoa gạo nghĩ gì khi chôn rễ ở chốn thôn quê mà hình hài lại được trưng trên các phương tiện truyền thông hiện đại của phố thị. Chỉ biết chắc chắn một điều, dù xã hội có biến đổi như thế nào thì loài hoa ấy vẫn mãi là quốc hồn của những người đã từng có gia đình, có tuổi thơ gắn bó với cánh đồng.
Tháng 3 lại đến, Nàng Bân lại may áo cho chồng, những bông gạo lại bung nở tận hiến hết mình cho bầu trời xanh… và ở những miền quê thanh bình ấy, không chỉ có vụ mùa bội thu, mà còn có cả một mùa chụp hình áo dài hoa gạo đầy thú vị của trăm ngàn thiếu nữ phố thị hiếu kỳ.
Áo dài Sago trân trọng gửi tới bạn đọc bộ hình áo dài hoa gạo đẹp hư ảo của người con gái Bắc Bộ. Thương mời quý vị cùng thưởng lãm.
Bộ hình áo dài đẹp bên hoa gạo tháng 3
Bài viết và hình ảnh độc quyền của aodaisago.com, vui lòng xin phép trước khi muốn sử dụng.
Wirter: Hanako
Model: Hà Nguyễn
Photography: Hằng Nguyễn
Discussion about this post