Lịch sử áo dài Việt Nam vô cùng thú vị. Chiếc áo đã trải qua nhiều thời kỳ dưới nhiều hình hài khác nhau. Để rồi đây, chúng ta được thừa hưởng một chiếc áo dài hoàn hảo trong vẻ duyên dáng, đằm thắm, kín đáo nhưng vô cùng gợi cảm.
“ Sao đành lòng không thương tiếc anh ơi
Nàng áo tím phôi pha đời duyên dáng
Ngày trở lại nối vần thơ lãng mạn
Về chốn xưa áo tím đã phai màu…”
Giọng ngâm dìu dặt của một nghệ sĩ lâu năm cất lên đâu đó trong một ngày chớm xuân hạ gợi tôi cái hình ảnh những cô nàng áo mộng mơ ấp ủ một giấc mơ đẹp đẽ, gói ghém vào trang vở rồi đứng ngần ngơ ngắm phượng rực cháy hôm nào. Áo tím úa ra như đàn bướm, áo tím dịu dàng khoe mình dọc theo “lối đi dưới lá” trên lề đường Phan Thanh Giản, trên cả những con đường Sài Gòn đã ngập nắng. Áo dài Việt Nam, từ xa xưa lắm đã đi vào thi ca, chẳng ai có thể cầm lòng cho đặng khi bày bày ra trước mắt là cả một trời thơ say đắm đến huyền ảo.
Dưới mắt Phạm Đình Chương, áo dài là “Áo bay mở, khép nghìn tâm sự…” (Mộng dưới hoa)
Dưới mắt Vũ Thành thì “Áo dài bay ngờm ngợp cả khung trời…” (Mùa kỷ niệm)
Hoàng Dương lại bảo “Áo mầu tung gió chơi vơi…” (Hướng về Hà Nội)
Trịnh Công Sơn còn quả quyết rằng “Áo xưa lồng lộng đã xô dạt trời chiều…” (Tình nhớ)
Trải qua bao thăng trầm cùng dân tộc, chiếc áo dài của phụ nữ Việt Nam đã được coi là “quốc hồn quốc tuý”, biểu tượng cho sự mềm mại, dịu dàng và kín đáo.
Hiếm có chiếc áo nào vừa kín đáo lại vừa gợi cảm như chiếc áo dài của Việt Nam : cổ cao, bờ vai tròn trịa mềm mại, hai tà áo thướt tha với đường lượn ở đáy eo tạo nên bao sự gợi cảm, cuốn hút.
Trong vòng 100 năm qua, chiếc áo dài Việt Nam cùng dân tộc trải qua thăng trầm, khi nhìn lại, nhiều kí ức đã vỡ vụn, những tình yêu héo úa ngổn ngang, duy chỉ có áo dài hình như vẫn thế. Vẫn lặng lẽ và thơ theo cách riêng của mình. Từ chiếc áo dài thụng năm thân, áo rộng, không eo, dài đến gần mắt cá chân đến chiếc áo dài được hoạ sĩ Lê Phổ cách tân. Ngày nay áo dài đã được biến hóa và ứng dụng dưới muôn hình vạn trạng. Nhưng hãy khoan ngắm nhìn những chiếc áo dài cách tân, vì lịch sử áo dài đã ập tới từ khi tôi nhắc tới chiếc áo dài thụng năm thân rồi!
Áo giao lãnh (thế kỷ 17)
Đây là chiếc áo dài sơ khai đầu tiên của người Việt, áo có bốn vạt, là tiền thân của áo tứ thân. Người Việt mặc yếm lót, khoác ngoài là áo giao lãnh, mặc cùng váy đen và thắt lưng màu tương tự như áo tứ thân, chỉ khác là hai vạt trước buông thả chứ không buộc trước bụng.

Áo tứ thân – áo ngũ thân (thế kỷ 18 – đầu thế kỷ 20)
Vốn là cái nôi của văn minh lúa nước, người Việt xưa chế ra kiểu áo tứ thân gọn ghẽ với hai vạt trước rời nhau, có thể buộc lại, hai vạt sau may liền thành một tà áo. Y phục này là của tầng lớp bình dân, áo tứ thân bắt buộc phải may từ vải tối màu giống màu bùn ruộng để tiện cho công việc đồng áng. “Nào đâu cái áo tứ thân, cái khăn mỏ quạ cái quần nái đen” – những câu thơ giản dị và mộc mạc về hình ảnh chiếc áo tứ thân đậm đà hồn người con gái Việt, khơi gợi nét thôn quê, dân dã của nhà thơ Nguyễn Bính đã trở nên rất quen thuộc với những người dân Việt Nam.

Đối với tầng lớp quý tộc hay phụ nữ thành thị thì họ thường mặc áo ngũ thân để phân biệt mình với tầng lớp lao động nghèo. Áo ngũ thân có bốn vạt như áo tứ thân, được may liền nhau thành hai tà trước và sau như áo dài. Vạt con thứ năm được may dưới tà trước như một mảnh áo lót kín đáo. Áo có cổ và phom rộng, được mặc rộng rãi đến đầu thế kỷ 20.
Áo dài lemur (1939 – 1943)
Có thể nói Áo dài Lemur chính là sự đột phá táo bạo do họa sĩ Cát Tường sáng tạo vào năm 1939. Được âu hóa nhiều chi tiết như tay phồng, cổ khoét hình trái tim, đinh nơ… Chiếc áo dài “lai căng” này bị dư luận thời đó mạnh mẽ lên án phản đối. Họ cho rằng chỉ có những kẻ không đứng đắn trong giới nghệ sĩ, phong cách tân thời mới dám mặc. Chính vì sự gay gắt đó nên tới năm 1943 thì kiểu áo này dần bị lãng quên.

Áo dài với tay raglan (1960)
Khắc phục nhược điểm lớn là các nếp nhăn rất dễ xuất hiện ở hai bên nách. Vào những năm 1960, nhà may Dung ở Đakao, Sài Gòn đã đưa cách ráp tay raglan vào áo dài. Với cách ráp này, tay áo được nối từ cổ xéo xuống nách. Tà trước có thể nối với tà sau qua hàng nút bấm từ cổ xuống nách và dọc theo một bên hông. Kiểu ráp này vừa giúp hạn chế nếp nhăn ở nách lại tà áo ôm khít theo đường cong người mặc. Người phụ nữ có thể cử động tay thoải mái, linh hoạt. Từ đây, chiếc áo dài Việt Nam đã được định hình.

Cũng trong năm 1960, áo dài bà Nhu ra đời với hình dạng cổ thuyền, cổ khoét. Chiếc áo dài vấp phải phản ứng mạnh mẽ vì đi ngược với truyền thống và thuần phong mỹ tục của xã hội thời đó.
Áo dài chiết eo – áo dài mini (1960 – 1970)
Kể từ năm 1960 trở đi thì chiếc áo dài chiết eo được sự dụng rộng rãi, thời thượng, thách thức mọi quan điểm truyền thống. Việc chiếc áo này trở thành phổ biến phải kể tới công dụng tiện lợi của chiếc áo nịt ngực, chiếc áo dài chiết eo được mọi phụ nữ thành thị ưa chuộng để phô bày những đường cong cơ thể.

Tới cuối thập kỷ 60, áo dài mini trở nên thịnh hành trong giới nữ sinh vì sự thoải mái, tiện lợi vốn có của nó. Tà áo tuy hẹp và ngắn đến gần đầu gối nhưng áo rộng, không chít eo và vẫn may theo đường cong cơ thể. Vừa xinh đẹp, lại duyên dáng dịu dàng.
Áo dài hiện đại (1970 – nay)

Thời cuộc đổi thay, sau 1970 người ta không còn thấy những tà áo đẹp dịu dàng nối nhau bay trên các nẻo đường góc phố. Tuy nhiên, từ năm 2000 đến nay, chiếc áo dài đã trở lại với nhiều kiểu dáng, chất liệu khác nhau qua các bộ sưu tập đầy sáng tạo và phá cách của các nhà thiết kế Võ Việt Chung, Sĩ Hoàng, Thuận Việt…Sáng tạo không ngừng, chiếc áo dài đã được cải biên thành áo cưới, áo tà ngắn để mặc với quần jeans…
Có thể nói qua với nhau về lịch sử áo dài chứ làm sao mà nhớ hết, kể hết những câu chuyện về vô vàn những vạt áo dài dịu dàng và thướt tha, những vạt áo dài lồng lộng gió trong thơ và nhạc. Tà áo dài trắng tinh, tím biếc mềm mại đã nhẹ nhàng êm ái đến với phụ nữ Việt, êm ái đi vào lòng người…
Thảng nghĩ, bất cứ lúc nào, dù là nơi đâu, ở chốn thôn quê hay phương trời xa thẳm, chiếc áo dài cũng có thể thổi bừng lên sự ấm áp dịu dàng trong lòng mỗi con người Việt. Một ngày nào đó, bước chân trên con phố hiện đại xa hoa, ta nhìn thấy một vạt áo dài, chợt nhận ra nhau, tuy xa xăm mà gần gũi.
Trải qua những cuộc bể dâu, thăng trầm lịch sử, vật đổi sao dời, chiếc áo dài truyền thống, chiếc áo dài duyên dáng và trữ tình của người phụ nữ Việt Nam vẫn luôn luôn là kí ức đẹp, lãng mạn, đằm thắm và khó quên, đọng lại mãi trong lòng người.
Written by Ran
Discussion about this post